9 sai lầm thường gặp khi cài đặt sử dụng mạng Wifi

Mạng không dây mang đến rất nhiều tiện lợi cho các tín đồ công nghệ số. Chỉ cần cài đặt một lần và chạy thiết bị phát sóng, bạn sẽ có thể dễ dàng truy cập mạng từ hàng loạt thiết bị khác nhau.

Tuy nhiên, việc thiết lập, cài đặt mạng không dây khá rắc rối, người dùng thường mắc phải những lỗi khá cơ bản. Sau đây là 9 sai lầm bạn nên tránh khi cài đặt thiết lập và sử dụng mạng không dây ở nhà hoặc công sở.

1. Không đọc hướng dẫn sử dụng

Đây là sai lầm nhiều người mắc phải nhất. Việc cài đặt Wi-Fi phụ thuộc bộ định tuyến bạn đã sắm cũng như thiết bị bạn sẽ dùng để kết nối. Hãy sử dụng thông tin hướng dẫn từ nhà sản xuất để làm theo khi cài đặt. Bạn sẽ không mắc phải một số sai lầm phía dưới nếu đã đọc kỹ thông tin hướng dẫn từ nhà cung cấp thiết bị.

2. Sử dụng mật khẩu mặc định

Người dùng thường không quan tâm tới mật khẩu mặc định mà các bộ định tuyến không dây cung cấp để đăng nhập quản trị. Để tránh bị đột nhập, hãy thay thế mật khẩu mặc định bằng mật khẩu cá nhân an toàn hơn.

3. Quên kích hoạt tiếp sóng Wi-Fi trên thiết bị


Wi-Fi đã trở thành công nghệ phổ biến hiện nay với sự lên ngôi của smartphone

Các thiết bị di động như laptop hay điện thoại thường có những nút hoặc cách cài đặt riêng cho phép bạn tắt/mở để nhận tín hiệu không dây. Bình thường bạn sẽ không thể kết nối tới mạng Wi-Fi khi thiết bị đang ở chế độ “nằm chờ”. Hãy đọc kỹ thông tin hướng dẫn để làm chủ công cụ.

4. Chọn nhầm các thiết bị không tương thích chuẩn

Có khá nhiều chuẩn không dây hoặc công nghệ Wi-Fi, tiêu biểu như: 802.11a, 802.11b, 802.11g, và 802.11n. 802.11n là công nghệ mới nhất hỗ trợ băng thông cao hơn cũng như cho phép phát sóng tín hiệu tốt hơn.

Rất có thể bạn có những thiết bị hỗ trợ nhiều chuẩn khác nhau, khi đó bạn không phải đắn đo trước các chuẩn này. Tuy nhiên, hãy lưu ý để tránh sai lầm khi lựa chọn thiết bị mới, không tương thích, hỗ trợ các thiết bị đã có. Hãy sử dụng một chuẩn duy nhất nếu có thể. Trong trường hợp một thiết bị nào đó không hỗ trợ công nghệ chung của cả hệ thống, chúng sẽ làm cho toàn mạng chậm lại hoặc đứt đoạn.

Đó cũng là lý do vì sao nhiều routers thế hệ không hỗ trợ các chuẩn cũ. Nếu chiếc laptop của bạn không kết nối được với mạng không dây, rất có thể router chỉ hỗ trợ 802.11g, trong khi thiết bị kết nối lại chỉ “ưa” chuẩn 802.11a.

5. Lẫn lộn các chuẩn mã hóa

Các thiết bị mới thường hỗ trợ các chuẩn mã hóa WPA khác nhau. Trong khi đó, chuẩn cũ WEP vẫn tồn tại, kém hiệu quả hơn, có thể bị xâm nhập.

Đa số người dùng thường chọn chuẩn WPA. Nếu bạn sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ WEP, một chiếc PDA chẳng hạn, đương nhiên sẽ không thể vào mạng được. Một lần nữa phải khẳng định việc đọc thông tin hướng dẫn để hiểu các chuẩn mã hóa mà thiết bị hỗ trợ là rất cần thiết.

Nếu chỉ có một lựa chọn duy nhất là WPA, hãy chắc chắn khi thiết lập hệ thống bạn đã tạo mật khẩu an toàn, chẳng hạn nên có 10 ký tự trở lên, có các từ ngẫu nhiên, chữ và số. Đừng bỏ qua bước thiết lập mã hóa. Ngay cả khi WPA có thể bị phá khóa, vẫn cần khá nhiều thời gian cũng như công sức để kẻ trộm thực hiện.

6. Cấu hình tường lửa kém

Một trong số các lý do chính khiến laptop không thể kết nối mạng là tường lửa đã ngăn tín hiệu. Để kiểm tra, bạn hãy tắt tường lửa và thử lại. Nếu tường lửa là thủ phạm gây nên trục trặc, bạn hãy tìm hiểu kỹ cách cấu hình tường lửa sao cho phù hợp để cho phép thiết bị “hòa mạng”.

7. Nhớ nhầm thông tin đăng nhập

Một sai lầm thường thấy khác là bạn nhớ nhầm thông tin đăng nhập. Trong trường hợp thiết lập mạng để kết nối, nếu có tín hiệu nhưng không thể vào mạng được, rất có thể key WEP hay WPA bạn nhập không đúng. Hãy kiểm tra lại một lần nữa cho chắc chắn.

8. Không sử dụng bất kỳ biện pháp an ninh nào

Dữ liệu chuyển phát không dây có thể sẽ trở thành mục tiêu tấn công của kẻ trộm. Các biện pháp an ninh là rất cần thiết. Sử dụng mật khẩu an toàn, mã hóa, tường lửa hay sử dụng các công cụ chuyên biệt để nâng cao an ninh là gợi ý rất thiết thực. Tuy nhiên, người dùng thường khá thờ ơ với việc này. Bạn có thể tìm hiểu thêm cách thiết lập mạng không dây an toàn tại đây.

9. Không biết “phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Một số biện pháp an ninh bạn có thể thực hiện như thay đổi mật khẩu mặc định, tắt DHCP (Dynamic Host Configuration Protocol), cài đặt bộ lọc DHCP (Dynamic Host Configuration Protocol), tắt quyền truy cập từ xa, bật tường lửa, cài đặt firewall chuyên dụng trên máy, ẩn SSID…

Trong khi đó, không ít người tăng cường an ninh bằng cách giấu thiết bị (router) vào những nơi ít người có thể tò mò, chấp nhận mức truyền phát tín hiệu kém hơn. Đây thật sự là một sai lầm cơ bản. Nến nhớ bạn có thể bình an vô sự ngay cả khi không áp dụng bất kỳ biện pháp an ninh nào. Tốt nhất, hãy sao lưu dữ liệu, bảo vệ chúng bằng những công cụ chuyên biệt không thiếu hiện nay.

Theo Tuổi Trẻ Online (Makeuseof)

10 việc thú vị với ứng dụng của USB

USB có thể làm được rất nhiều thứ ngoài việc “còng lưng” chuyển dữ liệu giúp bạn. Sau đây là 10 việc thú vị bạn có thể thực hiện với một chiếc USB nhỏ xíu, dung lượng ngày càng khổng lồ, giá thành ngày một rẻ.

1. Chạy các ứng dụng portable

Sau công dụng chuyển dữ liệu, đây được xem là tác vụ thường được sử dụng nhất với một chiếc USB. Ngày nay, bạn có thể dễ dàng tìm được hàng trăm ứng dụng thường dùng để có thể sử dụng ở bất cứ nơi nào. Chẳng hạn OpenOffice là một ví dụ. Trình ứng dụng văn phòng mã nguồn mở này hỗ trợ hàng loạt tiện ích như xử lý văn bản, bảng tính, công cụ trình chiếu, vẽ, xử lý dữ liệu… Mozilla Firefox và Thunderbird cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ “mang vác” khi di động.

Bạn có thể ghé tới trang PortableApps.com để có thể tìm kiếm thêm những ứng dụng cần thiết, thậm chí bạn có thể cài cả trình đa phương tiện, game, trình diệt virus… trên USB.

2. Khởi động hệ điều hành

Nếu muốn làm được nhiều thứ hơn so với việc chạy các ứng dụng portable, bạn có thể cài đặt hẳn một hệ điều hành trên thẻ USB, kể cả Windows hay Linux. Tất nhiên, quá trình này đòi hỏi bạn phải có những kỹ năng nhất định.

Một khi cài được hệ điều hành lên USB, bạn có thể sử dụng để cứu hộ một khi hệ thống gặp trục trặc. Windows XP và Puppy là những OS được cư dân mạng ưa thích nhất khi “bào chế” phiên bản trên USB.

3. Kết nối mạng không dây

Nếu có một mạng không dây, bạn có thể sử dụng trình cài đặt Wireless Network Setup Wizard trong XP hay tính năng Windows Connect Now (WCN) ở Vista để lưu lại thông tin cấu hình mạng không dây vào USB. Sau đó, bạn có thể sử dụng ổ đĩa di động này để nhanh chóng và dễ dàng kết nối tới một chiếc PC khác hay các thiết bị tương thích WCN như router hay máy in tới mạng không dây của bạn. Hãy vào Help And Support Center (ở XP) hay Windows Help And Support (trên Vista) để biết thêm chi tiết.

4. Tạo ổ đĩa khôi phục mật khẩu

Ổ đĩa khôi phục mật khẩu sẽ trở thành người bạn hữu ích một khi bạn quên mất thông tin đăng nhập vào Windows, nhất là Vista. Trên OS này bạn nên sử dụng thẻ USB thay vì ổ đĩa floppy lỗi thời. Xem thêm tại đây.


Bạn có thể sử dụng thẻ USB flash để lấy lại mật khẩu OS5: Boost performance

5. Tăng tốc hệ thống

Nếu đang sử dụng Windows Vista, bạn có thể sử dụng ổ đĩa USB để tăng tốc hệ thống nhờ vào công nghệ ReadyBoost. Microsoft đã thiết kế ReadyBoost để tận dụng không gian lưu trữ trên thẻ USB làm bộ nhớ bổ sung cho hệ thống. Vì tốc độ đọc của thẻ USB tương đối nhanh, giá thành sản phẩm ngày một rẻ, sử dụng USB để tăng tốc hệ thống là một ý tưởng không tồi.

Để sử dụng tính năng ReadyBoost, bạn chỉ cần cắm thẻ USB vào hệ thống. Một màn hình hướng dẫn sẽ xuất hiện và bạn có thể cấu hình dễ dàng. Lưu ý là trên XP không có tính năng này.

6. Cải tiến khả năng quản lý dữ liệu

Nếu bạn chỉ dùng USB vào việc chuyển dữ liệu (và đang dùng Windows XP), hãy sử dụng tới tiện ích Microsoft USB Flash Drive Manager. Một khi cài ứng dụng này, bạn có thể dễ dàng sao chép dữ liệu tới ổ đĩa cứng, sao lưu và phục hồi dữ liệu trên ổ đĩa di động, thay đổi nhãn đĩa, thậm chí tạo tập tin tự động chạy Drive Manager khi bạn cắm thiết bị. Xêm thêm chi tiết và tải về ứng dụng tại đây.


Trình ứng dụng Microsoft USB Flash Drive Manager mang đến cho bạn hàng loạt tiện ích để “xài” USB

7. Sử dụng như trình phát nhạc MP3

Nếu là tín đồ của âm nhạc, hẳn bạn sẽ cảm thấy nhu cầu này ngày càng “bức xúc” hơn với sự ra đời của hàng loạt thiết bị giải trí mới. Tuy nhiên, chỉ cần một chiếc USB nhỏ gọn, bạn có thể biến nó thành một trình phát MP3 cùng với ứng dụng quen thuộc Windows Media Player. Hãy copy nhạc vào USB, cắm vào máy, Windows Media Player sẽ tự động nhận diện và phát các bản nhạc có trên thẻ USB. Bạn cũng có thể tận dụng được tất cả tính năng của trình ứng dụng này như thông thường, chẳng hạn playlist, favorite… Một trong những điểm thú vị là bạn sẽ không bao giờ phải lo sạc pin!

8. “Thuê vệ sĩ” cho thẻ USB

Nếu bạn sử dụng thẻ USB để lưu những dữ liệu nhạy cảm, một trong những vấn đề đáng quan tâm hàng đầu là bảo vệ chúng. Rohos Mini Drive có thể sẽ là “vệ sĩ” bạn cần đến. Tiện ích này giúp bạn tạo một phân vùng bí mật trên ổ đĩa, hỗ trợ mật khẩu, mã hóa dữ liệu. Bạn sẽ không còn phải lo lắng cho những thông tin dữ liệu quý báu của mình nữa. Tải về tại đây.


Với Rohos Mini Drive, bạn có thể cất giấu mọi “châu báu” vào USB mà không lo lắng bị lộ

9. Chạy một website

Nếu bạn là một nhà phát triển web, chắc hẳn đã nghe tới Server2Go. Đây là một tiện ích hữu dụng hỗ trợ xây dựng nền tảng máy chủ ngay từ ổ đĩa USB, với các công nghệ mới nhất như Apache, PHP, MySQL và Perl. Bạn có thể hoàn toàn an tâm vì không phải cài đặt ứng dụng, Server2Go hỗ trợ tất cả  phiên bản Windows và hoàn toàn miễn phí. Rõ ràng với các nhà phát triển web, đây là một ứng dụng không thể thiếu. Tải về tại đây.

10. Khóa PC

Với chiếc thẻ nhớ di động nhỏ gọn, bạn có thể dễ dàng khóa PC nhờ vào tiện ích Predator. Một khi đã cài đặt và thiết lập cấu hình, công cụ miễn phí này sẽ biến thẻ USB thành chìa khóa, ngăn người lạ xâm nhập.

Khi thẻ USB cắm vào máy mọi thứ sẽ hoạt động trơn tru, nhưng một khi bạn gỡ ra thì chiếc PC sẽ bị khóa lại. Bàn phím và chuột… chết lịm, màn hình trở nên đen kịt. Để mở khóa PC, bạn chỉ cần cắm lại thẻ là xong. Chi tiết và tải ứng dụng về tại đây.

Theo NHẬT VƯƠNG (Tuổi Trẻ)